Đây là một trong những nội dung được các đại biểu đưa tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 do Bộ Tư Pháp tổ chức
Các đại biểu phát biểu tham luận tại điểm cầu Bộ Tư pháp. Ảnh VGP/Lê Sơn
Cần những hướng dẫn, quy định cụ thể hơn
Báo cáo sơ kết của Bộ Tư pháp cho biết công tác xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đưa Luật đi vào cuộc sống.
Những kết quả đạt được của công tác thể chế đóng vai trò tích cực, bảo đảm tính cụ thể và khả thi của các quy định của Luật HNGĐ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quy định, áp dụng pháp luật. Tuy nhiên, hệ thống quy phạm pháp luật về HNGĐ cần đảm bảo tính bao quát, tính đầy đủ hơn về cơ sở pháp lý trong giải quyết những vấn đề pháp lý phát sinh từ thực tiễn.
Tuy nhiên có một số vấn đề pháp lý được đặt ra, cần được tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn về thể chế hoặc có hướng dẫn, giải pháp cụ thể, như: Tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi, tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi cũng đặt ra vấn đề về bảo đảm bình đẳng giới, về sự đồng bộ với năng lực hành vi dân sự của người thành niên trong Bộ luật Dân sự gắn với hiệu quả trong giải quyết tình trạng tảo hôn vẫn đang diễn ra ở một số khu vực miền núi, dân tộc thiểu số. Tình trạng kết hôn cận huyết vẫn còn tồn tại. Quy định về thực hiện quyền kết hôn của mắc người mắc bệnh tâm thần hay bệnh khác không làm chủ được hành vi nhưng chưa bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự chưa được rõ ràng. Để thực hiện, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân, tính khả thi của chính sách và cơ hội tiếp cận chính sách thì cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hơn về thể chế và hiệu quả áp dụng pháp luật đối với quyền trong hôn nhân và gia đình của người đồng tính, chuyển giới. Vấn đề công nhận hôn nhân của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn tiếp tục còn có những ý kiến khác.
Pháp luật về đầu tư, kinh doanh cần cụ thể hóa hậu quả của ly hôn trong chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh, nhất là các vấn đề về góp vốn, quyền của người góp vốn trong công ty, xác định tư cách cổ đông, quyền hưởng lợi tức cổ đông…
Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những nội dung mang tính chất trung tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau, như “thật sự tự nguyện ly hôn”, “vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ chồng”, “người mẹ không đủ điều kiện”…
Cần có cơ chế pháp lý để bảo vệ hiệu quả hơn quyền, lợi ích của các bên liên quan trong thực hiện quyền lưu cư, quyền của con dâu, con rể khi sống chung với gia đình nhà chồng, nhà vợ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con…
Có nên quy định về ly thân là căn cứ cho ly hôn?
Luật HNGĐ chưa quy định về chế định ly thân nhưng thực tế hiện tượng này vẫn xảy ra. Do đó, một số bộ, ngành, địa phương đề nghị nghiên cứu ghi nhận chế định ly thân trong Luật để bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các chủ thể trong gia đình. Minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện Hạn chế tình trạng bạo lực gia đình,… Trường hợp chưa ghi nhận chế định độc lập về ly thân thì cần nghiên cứu bổ sung ly thân là một căn cứ cho ly hôn.
Quy định của Luật HNGĐ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tạo cơ chế pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn trong việc ngăn chặn các hành vi trục lợi của việc mang thai hộ nhưng cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn thể chế hoặc hướng dẫn áp dụng đối với việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị khuyết tật hoặc bệnh về trí não; vợ chồng không thể sinh con tiếp nhưng không có quyền được nhờ người khác mang thai hộ. Cụ thể hóa về trường hợp lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không nếu ngay sau khi sinh con, người mang thai hộ giao ngay con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nuôi dưỡng
Qua báo cáo, tham luận của các bộ, ngành, địa phương, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu nhận thấy còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành Luật HNGĐ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và ghi nhận nhiều đề xuất giải pháp có giá trị của các đại biểu.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tiếp tục quán triệt, phổ biến, nâng cao nhận thức về Luật HNGĐ, đảm bảo các cơ quan từ Trung ương đến địa phương thống nhất cách hiểu, từ đó áp dụng thống nhất trong thực hiện. Xem xét nội dung các chính sách, quy định đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật HNGĐ với các văn bản pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế - xã hội cụ thể, góp phần đảm bảo tính khả thi của các quy định trong đời sống kinh tế - xã hội. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan điều chỉnh các quan hệ HNGĐ trong từng lĩnh vực cụ thể.
Toà án Nhân dân tối cao nghiên cứu kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn áp dụng hoặc công bố án lệ đã được thống nhất xem xét áp dụng trong ngành Toà án. Các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp hơn nữa nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quy định của Luật nhằm phát huy hiệu quả cao nhất trong thực tế.
Theo Lê Sơn
- Khi nào vợ, chồng được quyền đơn phương ly hôn? (24.04.2020)
- Vụ Chi cục trưởng thi hành án TP Thanh Hóa tử vong vì chất độc: Chủ tiệm vàng nghi vợ ngoại tình (23.04.2020)
- GÓC TÂM SỰ: Chồng phụ bạc còn gieo tiếng ác khiến tôi chẳng dám nhìn mặt ai (05.04.2020)
- Khai sinh tại nước ngoài có được cấp bản sao ở Việt Nam? (25.03.2020)
- Nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn (03.03.2020)
- Cư trú nhiều nơi, xác nhận tình trạng hôn nhân thế nào? (29.02.2020)
- Kết hôn chóng vánh, ly hôn nhọc nhằn (14.02.2020)
- 3 thời điểm đàn ông vô tâm, đàn bà không còn khóc… (16.01.2020)
- Tài sản được bố mẹ cho trong thời kỳ đang ly thân được chia thế nào khi ly hôn? (15.01.2020)
- Tâm sự đàn bà chán chồng: Tôi thấy cuộc hôn nhân của mình vô nghĩa (15.01.2020)